Giá sắt thép xây dựng tăng có đáng ngại
Giá sắt thép xây dựng tăng có đáng ngại
Giá sắt thép xây dựng tăng có đáng ngại
(Xây dựng) – Giá thép xây dựng đang tăng ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây mà nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đang tăng cao.
Ảnh minh họa
Nguy cơ “găm” hàng chờ tăng giáBáo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Giá sắt thép xây dựng trong tháng 1 – 2/2018 tăng do ảnh hưởng bởi giá quặng nhập khẩu những ngày cuối tháng 12/2017 từ thị trường Trung Quốc tăng.
Cụ thể, giá phôi thép tăng hơn 3%, sắt tăng 7 – 8% so với trước. Ngoài ra, sự tăng giá của than điện cực đối với các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lò điện làm cho giá thép thành phẩm tăng lên 500.000 – 600.000 đồng/tấn kéo theo giá bán thành phẩm tăng.
Chủ cửa hàng kinh doanh sắt, thép xây dựng tại phố Thanh Nhàn cho biết: Trong 2 tháng qua, giá thép liên tục tăng. Đầu tháng 1, tăng 100.000 đồng/tấn, sau đó tăng thêm 500.000 đồng/tấn vào tháng 2.
Hiện tại, giá thép xây dựng đang ở mức 15,3 triệu đồng/tấn. Mức tăng này được cho là khá cao, vì so với thời điểm giá thép lên cao nhất trong năm 2017 thì mức giá hiện tại cao hơn 1 triệu đồng/tấn. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Thực tế thị trường thép xây dựng những ngày vừa qua cho thấy, tại các đại lý thép và nhà phân phối, lượng đơn hàng tăng cao đột biến, nhiều nơi không còn đủ hàng cung cấp cho khách hàng.
Một số khách hàng khi nắm thông tin sắt, thép xây dựng có thể tiếp tục tăng giá trong thời gian tới nên đã đặt mua một số lượng lớn, gây khan nguồn cung. Một số đại lý cho biết, giá sẽ còn tiếp tục tăng cao nên đã chủ động găm hàng chờ tăng giá.
Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, dự báo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất sắt, thép xây dựng tiếp tục tăng nên giá bán mặt hàng này có thể tăng thêm 300.000 – 500.000 đồng/tấn ngay trong những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4/2018, thậm chí sẽ tăng đến hết tháng 5/2018.
Xuất khẩu tăng cả lượng và giá
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 2, cả nước xuất khẩu 919.771 tấn sắt thép các loại, với tổng trị giá kim ngạch đạt gần 655,3 triệu USD. Như vậy, tính bình quân mỗi tấn sắt thép xuất khẩu có giá 712,4 USD.
Đến nay, Hoa Kỳ đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của mặt hàng sắt thép nước ta, và mức giá bình quân xuất sang thị trường này cao hơn khá nhiều so với bình quân chung cả nước.
So với cùng kỳ 2017, kết quả xuất khẩu sắt thép tăng 39,7% về sản lượng và 59,2% về trị giá.
Trong đó Hoa Kỳ cùng với Campuchia, Indonesia và Malaysia là 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng 2 tháng đầu năm đạt trên 100.000 tấn mỗi thị trường.
Lớn nhất là Campuchia với 168.037 tấn, kim ngạch 105,23 triệu USD; Indonesia 134.317 tấn, kim ngạch 100,36 triệu USD; Hoa Kỳ 124.573 tấn, kim ngạch đạt 104,23 triệu USD; Malaysia 114.363 tấn, kim ngạch 73,85 triệu USD.
Như vậy, trong các thị trường chủ lực kể trên, Hoa Kỳ là nơi có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất đạt 836,8 USD/tấn, trong khi Campuchia là 626 USD; Indonesia là 747 USD tấn; Malaysia là 645,7 USD. Mức giá xuất khẩu bình quân vào Hoa Kỳ cũng cao hơn bình quân chung cả nước 124,4 USD/tấn (tương đương khoảng 2,8 triệu đồng).
Với tổng sản lượng 541.290 tấn, 4 thị trường chủ lực này chiếm gần 59% tổng sản lượng thép xuất khẩu cả nước trong 2 tháng qua, và tổng trị giá kim ngạch của 4 thị trường (đạt gần 384 triệu USD) chiếm khoảng 58,6% thị phần kim ngạch cả nước.
So với cùng kỳ 2017, sản lượng sắt thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng gần 110%, trong khi kim ngạch tăng gần 120%. Việc tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao hơn sản lượng giúp mức giá sắt thép xuất khẩu bình quân vào Hoa Kỳ cũng tăng thêm gần 37 USD/tấn (cùng kỳ 2017 đạt khoảng 800 USD/tấn).
Ngoài sắt thép các loại, 2 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu gần 74 triệu USD sản phẩm từ sắt thép sang thị trường Hoa Kỳ, chiếm 16,7% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong cùng thời điểm.
Một chuyên gia kinh tế xây dựng nhận định, việc tăng giá sắt thép xây dựng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực xây dựng, tuy nhiên, ảnh hưởng đến mức độ nào thì cần xem xét kỹ lưỡng. Nếu mức tăng trên 10%, vượt quá khả năng dự phòng của doanh nghiệp thì cần phải tính toán lại.