Dự báo tăng trưởng ngành thép đạt 12% trong năm nay
Dự báo tăng trưởng ngành thép đạt 12% trong năm nay
Dự báo tăng trưởng ngành thép đạt 12% trong năm nay
9 tháng đầu năm 2017, sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước đạt hơn 15,4 triệu tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ 2016. Như vậy, 9 tháng đầu năm 2017, việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong nước tăng trưởng khá tốt, tạo tiền đề cao cho tăng trưởng cả năm nay.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trải qua tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2017, mặc dù việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thép vẫn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp đã giúp cho việc sản xuất và tiêu thụ thép đều tăng trưởng khá.
Ngành thép có mức tăng trưởng khả quan trong 9 tháng năm 2017. Cụ thể, tháng 9/2017, sản xuất thép của các doanh nghiệp thép trong nước đạt 836.624 tấn, tăng 19,4% so với cùng kỳ 2016 và tăng 18,13% so với tháng trước. Trong đó, tiêu thụ đạt 740.565 tấn, giảm 6,5% so với tháng trước, nhưng tăng so với cùng kỳ 2016 là 16,5%. Tồn kho tính tới thời điểm 30/9/2017 là 579.342 tấn, tăng 28% so với thời điểm cuối tháng 8/2017.
Đối với nguyên liệu đầu vào cho cán thép như phôi thép cũng có giá giao dịch bất thường, ngày 6/10/2017 giá phôi dao động ở mức 525-530 USD/tấn tại cảng Đông Á – mức này giảm khoảng 15 USD/tấn so với đầu tháng 9/2017, sau khi tăng 70 USD/tấn ở mức 540-550 USD/tấn vào hồi đầu tháng 9/2017.
Trong quý III/2017, giá phôi đã tăng khoảng 90 USD/tấn so với quý II/2017. Nhìn chung, giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép trong quý III/2017 tăng khá cao so với mặt bằng giá quý II/2017. Nếu so với đầu năm 2017, giá các loại nguyên liệu tăng cao. Song, giá thép xây dựng lại tăng không tương ứng, hiện nay, giá bán tại khu vực phía Bắc đang dao động khoảng 12,5 triệu đồng/tấn, phía Nam khoảng 13,5 triệu đồng/tấn tại nhà máy.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2017, sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước đạt hơn 15,4 triệu tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt gần 13 triệu tấn, tăng tương ứng là 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng các loại sản phẩm thép sản xuất năm 2016 đạt 17,5 triệu tấn, tăng 16,8% so với năm 2015; bán hàng các sản phẩm thép đạt hơn 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015. VSA dự báo, năm 2017, ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 12% so với năm 2016.
Những kết quả trên cho thấy, 9 tháng đầu năm 2017, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong nước tăng trưởng khá tốt. Đây là tiền đề để mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm nay hoàn toàn đạt được.
Tuy nhiên, ngành thép vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Cụ thể là: để đáp ứng được hết công suất thiết kế của doanh nghiệp thép trong nước là điều còn rất xa vời, vì tính trung bình sản xuất của cả ngành thép hiện nay chỉ chạy được khoảng trên 70% công suất thiết kế, tương ứng với dự báo tiêu thụ, tránh tình trạng để tồn kho nhiều. Nguyên nhân các doanh nghiệp trong nước chưa chạy hết 100% thiết kế, chính là sức ép tiêu thụ từ hàng nhập khẩu vẫn nhiều.
Theo VSA, trong nước cạnh tranh ngày càng gay gắt do cung vượt cầu, nhiều dự án mới đi vào hoạt động và thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam, đặc biệt nguồn thép Trung Quốc. Tiêu thụ khó khăn, các đơn vị phải liên tục giảm giá bán để giữ thị phần khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm sút.
Trong khi đó, các dự án mới tiếp tục “bung hàng” vào cuối năm nay. Tập đoàn Hoà Phát dự kiến đưa nhà máy tôn mạ màu công suất 400.000 tấn/năm vào sản xuất, Công ty Ống thép Việt Đức cũng đưa vào hoạt động nhà máy thép cán dài 350.000 tấn/năm, dự án gang thép của Formosa đóng góp 1-1,3 triệu tấn năm 2017.
Để đảm bảo sự phát triển của ngành thép, cần phải tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm thép dễ bị tổn thương do thép nhập ngoại.
Hiện nay, hàng rào về mặt kỹ thuật là Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN, ngày 31/12/2015 của Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Văn bản này tuy có tác dụng, nhưng chưa đủ mạnh để chống gian lận kỹ thuật và thương mại từ thép nhập khẩu Trung Quốc, do vậy, cần phải xây dựng thêm các hành lang pháp lý cao và mạnh hơn.